Ăn mặn ảnh hưởng không hề nhỏ đến sức khỏe của trẻ, gây nhiều hệ lụy về sau.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, thói quen ăn uống cho thêm muối, gia vị hay nước mắm vào thức ăn, sẽ khiến thận phải làm việc quá tải, gây ra biến chứng có hại cho sức khỏe.
Tác hại của việc ăn mặn với sức khỏe của trẻ
Thành phần chính của muối ăn là natri, khi ăn nhiều muối sẽ làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri. Ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, tăng sức cản ngoại vi. Ở độ tuổi của trẻ thì chưa thực sự cảm nhận được nhưng nếu ăn mặn trở thành thói quen ăn uống thì khi lớn tuổi khả năng cao mắc bệnh tăng huyết áp.
Thận cũng là bộ phận sống còn giúp kiểm soát huyết áp bởi chúng giúp thải lượng muối dư thừa ra khỏi cơ thể và duy trì cân bằng nồng độ muối. Nếu ăn mặn, thận của trẻ sẽ phải làm việc nhiều hơn nên dễ bị các bệnh về thận. Ngoài ra ăn mặn còn liên quan đến các nguy cơ như ung thư dạ dày, loãng xương hay hen suyễn về sau.
Nhu cầu muối của cơ thể trẻ nhỏ chỉ cần dưới 2g/ngày. Nếu bố mẹ nêm nếm cho bé ăn như người lớn từ nhỏ, lớn lên bé sẽ mắc thói quen ăn uống không tốt, gây hại đến thận và dễ bị mắc các bệnh về huyết áp, thận, tim mạch và hạn chế về chiều cao.
Lưu ý khi nếm thức ăn cho trẻ
Theo Viện Dinh dưỡng, quan niệm muối cho ngon miệng chỉ đúng với người lớn. Còn đối với trẻ con chính là quá mặn và có thể hại thận, ảnh hưởng sức khỏe bé. Việc nêm muối không giúp trẻ ăn ngon hơn hay làm bé cứng cáp.
Nêm gia vị quá đậm là một trong những nguyên nhân khiến bé ám ảnh và biếng ăn. Việc cho 1/2 muỗng cà phê muối là vượt quá ngưỡng tối đa cho con.
Tác hại của việc ăn mặn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại của trẻ mà còn kéo theo nhiều hệ lụy không tốt trong tương lai. Vì vậy, khi bé còn nhỏ mẹ nên cho con ăn nhạt, như vậy sẽ tránh được thói quen ăn uống sau này, phòng ngừa được các bệnh về tim mạch trong tương lai.
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Viện Dinh dưỡng, với trẻ mới ăn dặm, bé hoàn toàn chưa biết phân biệt mặn nhạt là gì. Khẩu vị của bé hoàn toàn phụ thuộc vào khẩu vị của người lớn. Các bà mẹ thường có thói quen nếm thức ăn cho trẻ và cứ nghĩ rằng trẻ em cũng giống mình, phải vừa miệng thì trẻ ăn mới ngon. Tuy nhiên, quan niệm này tiềm ẩn nguy cơ lâu dài cho sức khỏe của trẻ.
Việc cho muối vào bột/cháo của trẻ có thể gây ảnh hưởng đến thận. Chức năng thận của trẻ dưới 12 tháng tuổi rất non nớt và việc mẹ nêm quá nhiều muối/mắm khi nấu bột/cháo sẽ tập cho bé thói quen ăn nhiều muối khi trẻ lớn hơn, thận phải làm việc nhiều, lâu dài dễ đưa đến tổn hại chức năng thận.
Hậu quả là trẻ sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch trong tương lai… Ngoài ra, cũng có những bằng chứng cho thấy ăn nhiều muối trong giai đoạn ăn dặm gây tổn thương não bộ.
Ngoài sữa thì ngũ cốc, hoa quả, thịt gia cầm, cá, trứng, rau tươi trong khẩu phần bổ sung đều có một lượng natri nhất định hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu natri của cơ thể trẻ 6 – 12 tháng.
Muối cần được tiêu thụ hàng ngày nhưng chỉ cần một lượng rất ít. Nếu tính cả lượng muối có trong nước mắm, nước chấm các loại, bột canh, hạt nêm và thực phẩm thì cơ thể trẻ 1 – 2 tuổi chỉ cần 2,3g/ngày.
Trong chế biến bữa ăn bổ sung cho trẻ 1 – 2 tuổi có thể sử dụng những gia vị mặn chứa natri nhưng với số lượng hợp lý (1,5g muối/ngày) vì một phần nhu cầu natri của trẻ đã được cung cấp từ các thực phẩm tự nhiên (10%) và thực phẩm chế biến sẵn (20%).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!