Cả nửa bữa cơm, chị Lê Thị Ngọc Lan (34 tuổi, ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) chỉ ngồi ngắm con ăn. Sau khi được ghép gan, lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua, bé Nguyễn Trường Sinh mới có thể tự ăn hết cả bát cơm ngon lành. Rồi bé tự ngủ ngon lành chứ không trằn trọc như mọi khi. Những dấu hiệu phục hồi đó của bé Sinh là niềm hạnh phúc, có thể bù đắp mọi nỗi vất vả không nói nên lời của người mẹ đã đi khắp nơi chạy chữa bệnh tim bẩm sinh và đã hiến 1 phần thân thể cứu con.
Mười năm vợ chồng chị Lan nuôi con, thời gian chị và con ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Mắc bệnh tim bẩm sinh thông liên thất/thông liên nhĩ, tăng áp phổi nên 4 năm đầu tiên, gia đình luôn ăn Tết ở bệnh viện. Sau 4 tuổi, may mắn bé đã tự khỏi bệnh tim, đỡ viêm phổi. Nhưng chị chưa kịp mừng thì bé lại phát hiện u gan phải kèm dị dạng không có tĩnh mạch cửa bẩm sinh. Các bác sĩ cho biết bé cần phải ghép gan. Mẹ làm nội trợ, bố đi làm thuê ở vựa tôm nên suốt 5 năm, dù biết đó là cách duy nhất cứu con, nhưng anh chị không lo được chi phí chữa trị cho bé.
Đến tuổi đi học, bé Sinh đến lớp hay mất tập trung, ngủ gà, nhận thức chậm so với các bạn cùng lứa nên mãi vẫn là học sinh lớp 1. Xót xa con bị ảnh hưởng của bệnh tật, chị Lan vẫn không ngừng hy vọng tìm kiếm cơ hội chữa trị cho con.
“Được GS Chu thông báo kết quả xét nghiệm của tôi phù hợp để cho con gan. Đồng thời, bé sẽ được Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ kinh phí để ghép gan, vợ chồng tôi bất ngờ đến rơi nước mắt” – chị Lan xúc động nhớ lại.
Vợ chồng chị Lan đã rất bất ngờ khi bé Sinh có cơ hội được ghép gan tại Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City (Hà Nội).
Khi thăm khám cho bé Sinh, GS Chu Chong Woo – GĐ Trung tâm Gan mật tụy Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã nhận định: “Bệnh của bé Sinh là một trường hợp hiếm gặp ngay cả ở trên thế giới, tần suất mắc bệnh ước khoảng 1/30.000 trẻ sinh ra. Cho đến nay, có khoảng 150 ca được thông báo trên toàn thế giới, trong đó chỉ 30 ca được ghép gan. Đây là trường hơp lần đầu tiên ghi nhận được tại Việt Nam. Cầm cự hơn 5 năm qua, tình trạng của bé cần được ghép gan sớm, nếu không có thể ảnh hưởng đến tính mạng vì đã diễn biến xơ gan lan tỏa, suy gan (biểu hiện tăng men gan, bilirubin máu…).
Gần 1 tháng sau khi xuất viện, bé Sinh đã tăng 1kg. Mẹ cho gan cũng đã phục hồi sức khỏe với lá gan phát triển tương đương ban đầu.
Hơn 25 năm kinh nghiệm phẫu thuật ghép gan, đây là một trong những ca ghép gan nhỏ tuổi nhất và khó nhất ông từng thực hiện. Cuộc sống của bé Sinh còn rất dài trước mắt, nên GS Chu đặc biệt quan tâm đến bệnh nhí này. Ông và ekip phẫu thuật của Trung tâm Gan mật tụy Vinmec đã chuẩn bị kỹ lưỡng, có kế hoạch phương án giải quyết phẫu thuật thích hợp cụ thể mọi tình huống xảy ra. Mục tiêu là đảm bảo thành công cao nhất cho cả bệnh nhi và người mẹ hiến gan. Sau 3 tuần làm các xét nghiệm sàng lọc, ngày 22/8/2018, bé Sinh đã được tiến hành ghép gan với mảnh gan phải nặng gần 600 gram lấy từ người mẹ.
Sau 4 tuần, với kết quả kiểm tra cho thấy các chỉ số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh từ gan cho thấy, lá gan mới đã thích nghi với cơ thể người bệnh. Sau 2 tuần ghép gan, bé Sinh đã tăng 1kg, các kết quả kiểm tra sức khỏe bình thường. Chị Lan cũng đã phục hồi sau khi cho gan với lá gan phát triển tương đương ban đầu.
GS Chu dành nhiều tâm huyết để điều trị và giúp bé Sinh phục hồi sức khỏe và có thể phát triển tích cực sau khi ghép gan.
Dành cho bé Sinh những tình cảm đặc biệt, GS Chu đã như trở thành một người bạn của bé. Ông sẵn sàng dành thời gian để “chơi” cùng và động viên bé mạnh dạn hơn. Mỗi lần đến khám lại với GS Chu, cậu bé nhút nhát, tự ti lại trở nên lanh lẹ và tươi tắn như gặp lại người thân yêu của mình.
Nhìn con ngủ ngon, nhớ lại những năm tháng bé Sinh bị bệnh viêm phổi, ho sốt nên khóc cả ngày lẫn đêm đến rút lõm ngực, chị Lan hạnh phúc trào nước mắt. Chặng đường bé có thể hồi phục sức khỏe và trí lực còn dài. Nhưng vợ chồng chị đều tin với đà tiến bộ như hiện nay, con trai chị có thể trở lại trường học và sẽ có thể đuổi kịp bạn cùng trang lứa để có một tương lai tốt đẹp.